Việc điều trị ung thư thực quản phụ thuộc vào một số yếu tố. Trong đó có vị trí chính xác của khối u, kích thước, độ xâm lấn, và khối u thuộc loại nào. Ngoài ra, người bác sĩ còn quan tâm đến tuổi tác của bệnh nhân, đến tình trạng sức khỏe chung để áp dụng điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.
Phương pháp điều trị ung thư thực quản
Thông thường ung thư thực quản không thể chữa được trừ khi ta phát hiện được ở giai đoạn sớm của bệnh, khi khối u chưa xâm lấn. Đáng tiếc là ung thư giai đoạn sớm lại rất ít triệu chứng, và khi phát hiện được thì bệnh thường ở giai đoạn tiến triển. Tuy nhiên, ung thư ở giai đoạn tiến triển vẫn có hi vọng chữa được và triệu chứng có thể giảm.
Ung thư thực quản thường được điều trị bằng phẫu thuật, xạ trị, hoặc hóa trị. Người thầy thuốc có thể chỉ dùng một phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp, điều này còn tùy thuộc vào tình trạng người bệnh.
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân muốn bác sĩ áp dụng nhiều phương pháp chữa trị cho mình. Còn các bác sĩ lại thường thảo luận với nhau để chọn phương pháp thích hợp nhất cho bệnh nhân. Việc thảo luận thường giữa các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, nhà phẫu thuật, chuyên gia về ung bướu học, chuyên gia về xạ trị ung thư, các y tá, các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà hoạt động xã hội.
Phẫu thuật thường là một phần quan trọng của việc điều trị. Nhiều bệnh nhân ung thư thực quản phải trải qua một cuộc phẫu thuật để cắt bỏ thực quản. Phẫu thuật này bao gồm cắt khối u và một phần thực quản, nạo hạch quanh khối u và một số mô lân cận. Sau đó, phần thực quản còn lại được nối với dạ dày, đôi khi người phẫu thuật viên phải tạo thực quản giả bằng cách lấy một phần ruột đưa lên đây.
Trong trường hợp khối u thực quản không thể cắt bỏ được, có thể do dính nhiều vào các cơ quan lân cận, bóc tách khó khăn, thì người phẫu thuật viên phải tạo một đường bắc cầu ngang qua để nối từ khoang miệng đến dạ dày. Đôi khi, các bác sĩ phẫu thuật không thể mở rộng thực quản ra, lúc này phải chờ cho khối u lớn hơn một chút rồi thực hiện lại. Cũng có khi, phẫu thuật viên phải đưa vào lòng thực quản một ống nhỏ (gọi là đặt stent) để giúp thông thực quản. Gần đây, các bác sĩ dùng tia laser để phá hủy mô ung thư, sau đó tiến hành việc bóc tách khối u.
Xạ trị là phương pháp dùng tia phóng xạ chiếu vào khối u nhằm tiêu diệt tế bào ác tính và ngăn không cho chúng phát triển nữa. Giống như phẫu trị, xạ trị là phương pháp điều trị tại chỗ, chỉ tác động lên các tế bào ở vùng điều trị. Xạ trị có thể thực hiện trước phẫu trị để tiêu diệt và thu nhỏ khối u hoặc cũng có thể thực hiện sau phẫu trị để tiêu diệt nốt những tế bào ác tính còn sót lại sau mổ. Đôi khi kích thước và vị trí của khối u gây khó khăn cho việc phẫu thuật thì xạ trị được áp dụng để thay thế hoàn toàn phẫu trị. Thậm chí khi phẫu thuật và xạ trị không tiêu diệt hoàn toàn tế bào ác tính, thì xạ trị cũng có thể làm giảm đau và giúp bệnh nhân dễ nuốt hơn.
Xạ trị ngoài là khi nguồn phóng xạ được đặt bên ngoài có thể, còn xạ trị trong là nguồn phóng xạ được đưa trực tiếp vào vị trí khối u. Thông thường, việc điều trị ung thư thực quản cần liều xạ trị ngoài 5 lần một tuần trong thời gian vài tuần. Trong thời gian xạ trị, bệnh nhân có thể nhập viện hay điều trị ngoại trú đều được. Trong khi đó, để xạ trị trong, bệnh nhân phải nằm viện trong thời gian ngắn để được cấy nguồn phóng xạ vào người.
Hóa trị thì lại là phương pháp dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ác tính. Bác sĩ điều trị có thể dùng một loại thuốc hoặc kết hợp nhiều loại thuốc trong khi điều trị cho bạn. Hóa trị có thể áp dụng một mình hoặc kết hợp với xạ trị trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u và sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại. Hóa trị cũng được dùng trong trường hợp không thể mổ được hoặc khi khối u tái phát sau mổ và sau xạ trị.
Hầu hết các loại thuốc điều trị ung thư thực quản đều dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch. Một số ít khác dùng bằng đường uống. Hóa trị là một phương pháp điều trị toàn thân, nghĩa là thuốc theo dòng máu để có thể đến tất cả các tế bào ung thư trong cơ thể. Thường việc dùng thuốc theo từng chu kì một, cứ một thời gian dùng thuốc, rồi một thời gian nghỉ.
Nhiều bệnh nhân khi áp dụng hóa trị chỉ cần điều trị ngoại trú hoặc đến phòng mạch của bác sĩ hoặc điều trị tại nhà. Tuy nhiên, tùy theo loại thuốc, tùy theo tình trạng bệnh nhân, theo kế hoạch điều trị mà đôi khi bệnh nhân cũng cần nhập viện.
Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi điều trị ung thư thực quản
Các phương pháp điều trị ung thư đa phần là các phương pháp điều trị mạnh, rất khó hạn chế các tác dụng của thuốc lên các tế bào không phải ung thư khác của cơ thể. Chính vì các tế bào khỏe mạnh khác cũng có thể bị tổn thương khi điều trị, nên tác dụng phụ không mong muốn của việc điều trị là không thể tránh khỏi.
Các tác dụng phụ khi điều trị khá đa dạng, phụ thuộc chủ yếu vào phương pháp điều trị và mức độ ảnh hưởng trên toàn cơ thể của thuốc. Thêm nữa, phản ứng của cơ thể mỗi bệnh nhân là khác nhau. Bệnh nhân là những người theo dõi và phát hiện các tác dụng phụ này đầu tiên và chính xác. Trong điều trị ung thư thực quản, phẫu thuật là phương pháp chủ yếu, một số bệnh nhân có những khó khăn khi ăn uống, vì vậy có thể họ cần được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch trước và sau khi mổ vài ngày. Bác sĩ đôi khi cũng cần cho bệnh nhân dùng thuốc kháng sinh để điều trị và phòng ngừa bội nhiễm. Người bệnh cũng cần được tập ho và tập thở đúng cách để giúp phổi không bị ứ đọng, tránh viêm phổi khi phải nằm lâu. Cảm giác khó chịu và đau sau khi phẫu thuật có thể hạn chế bằng cách dùng thuốc giảm đau.
Việc điều trị bằng tia phóng xạ kéo dài có thể khiến bệnh nhân khá mệt mỏi. Hãy cố gắng nghỉ ngơi bất cứ lúc nào, điều này rất quan trọng. Vùng da bị chiếu tia có thể bị tấy đỏ và khô nứt. Bạn nên để vùng da này tiếp xúc với không khí tự nhiên, nhưng tránh không tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, cũng không nên mặc quần áo chà xát nhiều vào vùng da đó. Chăm sóc da cẩn thận rất quan trọng. Bác sĩ có thể hướng dẫn cho bạn một số loại xà phòng thích hợp, còn bạn không nên dùng xà phòng hay thuốc tẩy rửa nào lên vùng da đó nếu không có ý kiến của bác sĩ. Chiếu xạ ở cổ có thể khiến bạn thấy khô, rát cổ và gây ho khan. Hãy uống thêm nhiều nước, bác sĩ cũng có thể cho bạn một số thuốc chữa ho. Nếu bạn có cảm giác nóng rát, khó chịu hay đau khi nuốt, người thầy thuốc sẽ cho bạn một số thuốc tê tại chỗ hay thuốc giúp bôi trơn để bạn nuốt dễ dàng hơn. Một số bệnh nhân nhận thấy khi dùng thuốc kháng acid (antacid) lại giúp họ thấy dễ chịu hơn, dễ tiêu hơn. Một số ít bệnh nhân lại có cảm giác khó thở, thở nông trong khi xạ trị. Bác sĩ cũng có thể giúp bạn giải quyết điều này.
Còn trong hóa trị, các tác dụng phụ thuộc vào loại hóa chất mà bạn sử dụng. Nói chung, các thuốc kháng ung thư có đích tác dụng là các tế bào có tốc độ phân chia nhanh. Trong số đó có các tế bào máu, gồm hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy trong máu, bạch cầu có nhiệm vụ chống nhiễm trùng và tiểu cầu có nhiệm vụ đông máu. Khi các tế bào này bị ảnh hưởng, cơ thể sẽ thấy mệt mỏi hơn, dễ nhiễm trùng hơn, và dễ chảy máu hơn. Các tế bào lông, tóc và tế bào ở các niêm mạc cũng là những tế bào phân chia nhanh. Vì thế hóa trị có thể khiến bạn bị rụng tóc, ăn uống kém, không ngon miệng, khó tiêu, loét miệng, buồn nôn, và nôn. Các triệu chứng này thông thường tự mất đi khi việc điều trị chấm dứt.
Cân nặng của người bệnh cần được theo dõi kĩ lưỡng, bởi vì việc sụt cân là một vấn đề khá nghiêm trọng đối với người bệnh ung thư thực quản. Việc nuốt khó khăn cộng thêm cảm giác mệt mỏi sẽ khiến người bệnh không thấy đói và ngon miệng khi ăn. Nói chúng, một bệnh nhân dinh dưỡng tốt thường đối phó với các tác dụng phụ của điều trị dễ dàng hơn. Các bác sĩ nên khuyến khích bệnh nhân ung thư thực quản nên chia các bữa ăn của mình thành nhiều bữa nhỏ không nên cố ăn dồn thành 3 bữa lớn một ngày. Sau ăn bạn hãy ngồi nghỉ ngơi một chút, các bác sĩ sẽ cho bạn một số thuốc chống nôn ói đồng thời giúp bạn dễ tiêu hơn.
Một số bệnh nhân dùng các thức ăn lỏng như súp, cháo khi việc nuốt khó khăn. Khi chuẩn bị thức ăn cho bệnh nhân ung thư thực quản, ta nên chọn món có nhiều thành phần, nhiều chất dinh dưỡng. Các loại bánh pudding, kem, súp là những món ngon dễ nuốt và nhiều chất dinh dưỡng mà bạn có thể dùng. Các bác sĩ, y tá, các nhà dinh dưỡng học có thể tư vấn cho bạn một chế độ ăn để làm sao đảm bảo cung cấp đủ calori cũng như chất đạm giúp bạn không bị sụt cân đồng thời giúp các tế bào bình thường khác trong cơ thể có thể phục hồi. Ví dụ một thực đơn gồm các món dạng lỏng hoặc uống sữa có hàm lượng protein cao…
Tóm lại, nhân viên y tế sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin về ung thư thực quản, cách điều trị cũng như các tác dụng phụ của việc điều trị.