Thật là khó khăn để hạn chế được tác dụng phụ của việc điều trị ung thư dạ dày nếu chỉ nhằm lấy đi hoặc tiêu hủy tế bào ung thư. Bởi vì những mô và tế bào khỏe mạnh cũng bị tổn thương, việc điều trị có thể mang lại những tác dụng không mong muốn.
Tác dụng phụ của việc điều trị ung thư thì khác nhau tùy mỗi người và thậm chí khác nhau từ lần điều trị này tới lần điều trị khác. Bác sĩ nên cố gắng đưa ra kế hoạch điều trị nhằm hạn chế được tối thiểu tác dụng phụ và họ có thể xử trí bất cứ tác dụng phụ nào khi đã xảy ra. Vì lý do này, nên điều quan trọng là bác sĩ phải biết những gì xảy ra trong và sau thời gian điều trị.
Tác dụng phụ khi phẫu thuật ung thư dạ dày
Cắt dạ dày là một phẫu thuật lớn. Một thời gian sau phẫu thuật, hoạt động của bệnh nhân bị hạn chế để cho phép lành vết thương xảy ra. Một vài ngày đầu của hậu phẫu bệnh nhân được cho ăn bằng đường tĩnh mạch (qua một tĩnh mạch). Trong vài ngày kế, bệnh nhân có thể ăn được chất lỏng, tiếp theo là thức ăn mềm, rồi đặc và cuối cùng là ăn lại thực phẩm bình thường. Những người bị cắt toàn bộ dạ dày không thế hấp thu được vitamin B12, mà nó rất cần cho việc tạo máu và thần kinh, vì vậy họ cần được cho thêm vitamin này. Đối với bệnh nhân có khó khăn trong việc tiêu hóa một số loại thực phẩm thì họ cần nên thay đổi chế độ ăn của mình.
Vài người cắt dạ dày thì cần một chế độ ăn đặc biệt khoảng vài tuần hoặc vài tháng, trong khi đó một số người cần chế độ như vậy lâu hơn. Bác sĩ hoặc chuyên gia về dinh dưỡng cần giải thích những thay đổi này đối với họ.
Vài bệnh nhân cắt dạ dày bị quặn đau, buồn nôn, tiêu chảy và choáng váng nhẹ một thời gian ngắn sau khi ăn bởi vì dịch và thức ăn vào ruột non quá nhanh. Nhóm những triệu chứng này gọi là hội chứng dumping. Thức ăn có chứa nhiều đường thường làm cho hội chứng này trở nên trầm trọng hơn. Hội chứng dumping có thể được điều trị bằng cách thay đổi chế độ ăn của bệnh nhân. Bác sĩ cần nên khuyên bệnh nhân chia ra nhiều bữa nhỏ trong ngày, tránh ăn thức ăn có chứa đường, nên ăn thức ăn có độ protein cao. Để làm giảm số lượng dịch vào ruột non nhanh, cần khuyến khích bệnh nhân không nên uống vào giờ ăn. Thuốc cũng có thể giúp kiểm soát được hội chứng dumping. Triệu chứng thường biến mất trong vòng 3-12 tháng, nhưng cũng có thể tồn tại vĩnh viễn.
Sau khi cắt dạ dày, mật trong ruột non có thể trao ngược vào phần dạ dày còn lại hoặc vào thực quản, gây nên những triệu chứng của dạ dày bị rối loạn tiêu hóa. Bác sĩ có thể cho thược hoặc dùng thuốc không cần kê toa để kiểm soát những triệu chứng này.
Tác dụng phụ khi hóa trị ung thư dạ dày
Tác dụng phụ của hóa trị tùy thuộc chủ yêu vào loại thuốc mà bệnh nhân dùng. Giống như bất cứ phương pháp điều trị nào khác, tác dụng phụ cũng thay đổi tùy mỗi người. Nhìn chung, thuốc chống ung thư tác động lên những tế bào phân chia nhanh. Bao gồm cả những tế bào máu mà những tế bào này giúp chống lại sự nhiễm trùng, tạo lập cục máu đông, chuyên chở oxy đến tất cả các phần của cơ thể. Khi những tế bào máu bị tác động bởi thuốc chống ung thư, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng hơn, dễ bầm hoặc chảy máu và có thể mất đi năng lượng.
Những tế bào chân tóc và những tế bào nằm trên đường tiêu hóa cũng phân chia một cách nhanh chóng. Khi hóa trị, bệnh nhân có thể bị những tác dụng phụ đặc biệt như: Buồn nôn và nôn ói. Những tác dụng phụ này thường biến mất dần dần trong giai đoạn hồi phục giữa đợt điều trị hoặc sau khi ngưng điều trị.
Tác dụng phụ khi xạ trị ung thư dạ dày
Bệnh nhân được xạ trị ở vùng bụng thường buồn nôn, ói và tiêu chảy. Bác sĩ có thể cho thuốc hoặc đề nghị thay đổi chế độ ăn để làm giảm những triệu chứng này. Da ở vùng xạ trị có thể bị đỏ, khô, nhạy cảm và ngứa.
Bệnh nhân nên tránh mặc quần áo gây cọ xát, thường mặc vải cotton cho vừa vặn là tốt nhất. Điều quan trọng là bệnh nhân cần phải cần phải chăm sóc da thật kỹ trong lúc điều trị, họ không nên dùng thuốc rửa hoặc kem bôi khi không có ý kiến của bác sĩ.
Bệnh nhân thường trở nên mệt trong lúc xạ trị, đặc biệt là ở những tuần lễ sau đó. Do đó, nghỉ ngơi là điều quan trọng, nhưng bác sĩ thường khuyên bệnh nhân nên cố gắng hoạt động tại chỗ ngay khi có thể được.
Sinh học trị liệu (liệu pháp sinh học)
Tác dụng phụ của liệu pháp sinh học tùy phương pháp điều trị. Một vài trường hợp gây ra hội chứng giống như cảm cúm như là ớn lạnh, sốt, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói và tiêu chảy. Đôi lúc bệnh nhân bị nổi ban và có thể bầm và dễ chảy máu. Những trường hợp này có thể trở nên nặng và bệnh nhân có thể cần phải nhập viện trong lúc điều trị.